chốn bình yên của mẹ

Mẹ như thân cò lặn lội bao lâu nay, giờ con cái đã lớn khôn, đã có cuộc sống của riêng mình. Mẹ bớt nhọc nhằn nhưng lòng mẹ thật chông chênh, đơn độc, rất may mẹ đã tìm thấy chốn bình yên trong việc đi lễ chùa. ‘chốn bình yên của mẹ’ như một nốt trầm của cuộc sống, một lần nữa mẹ tặng cho con, giúp con yên lòng phấn đấu và làm việc.

Có mẹ ta mới hiểu được thế nào là tình thương, hạnh phúc, thế nào là sự bình yên trong cuộc sống
Khi đến lớp học, học ráp vần thầy cô đã giảng cho chúng ta về:
Công cha như núi Thái sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra .
Và những câu chuyện về ‘nhị thập tứ hiếu’ như những nốt nhạc ngân lên trong tâm hồn để cảm nhận về hạnh phúc về sự an bình khi ta có mẹ bên cạnh.

Tùy bút Bông hồng cài áo của thiền sư Nhất Hạnh cho ta hiểu được bầu trời yêu thương dịu ngọt khi còn mẹ.

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Ngày vu lan cùng nhau chia sẻ hạnh phúc cho những ai cài lên ngực áo đóa hoa màu hồng, cùng nhau vui sướng đi. Ngày đó như nhắc nhở chúng ta đừng chạy theo công việc để rồi vô tâm với hạnh phúc và tình cảm mẹ dành cho ta.

Thế giới có ngày ‘Mother’s day’, sau này giới trẻ Việt Nam cũng chọn ngày Mother’s day để tặng quà cho mẹ và tổ chức bữa ăn gia đình vào những ngày đó. Các cơ quan, công ty, xí nghiệp tổ chức khá chu đáo 2 ngày trong năm dành cho phụ nữ, ngày 8 tháng 3, 20 tháng 10. Cho dù vậy, vẫn chưa đủ để thật sự có những mối quan tâm và duy trì mối liên hệ, phát triển tình mẹ ấm áp này làm nên sức mạnh cho các thành viên gia đình trong đời sống thường nhật.

Có người nói rằng ‘hạnh phúc được chắp bằng quá nhiều mảnh đến nỗi bao giờ cũng có mảnh thiếu’ và ‘không phải tất cả những người làm cha mẹ đều biết cách thổi bùng tia lửa yêu thương lóe lên trong mắt con cái mình ngày thơ bé thành ngọn lửa lớn không gì dập tắt được…’. Khi mà đời sống quá nhanh, cha mẹ trở nên lạc hậu trong thế giới ngày nay trước những nhu cầu của con cái; khi sức khỏe mẹ thường xuyên thay đổi bất thường làm xáo trộn sinh hoạt của con cái sẽ là nguyên nhân để tình cảm cao quí này đè nén xuống mà thay bằng những e dè và ngại ngùng

Ngày học trung học, về nhà thấy bố mẹ to tiếng, mẹ bao giờ cũng là người nhường nhịn để êm nhà êm cửa; chưa bao giờ chúng ta đặt câu hỏi vì sao mẹ nhịn được? mẹ đã rèn luyện để học được đạo nhẫn nhịn, điều mà trong đời thường ai cũng muốn nhưng thật khó mà thực hiện nhất là trong những hoàn cảnh thích hợp người ta không thực hiện được chữ ‘nhẫn’ để biết bao điều đáng tiếc xảy ra. Bài văn học thuờ xưa ‘thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn’, lúc đó ta còn trẻ người chỉ mong muốn làm bài văn đạt được điểm 8 mà không hiểu ẩn chứa trong đó đạo nhẫn nhịn rất cần cho cuộc sống, là chất liệu tạo nên những khoảnh khắc đẹp của đời người mà mỗi khoảnh khắc ấy đều đáng được gìn giữ và mang theo.

Hãy một lần, theo mẹ đi chùa, dùng cơm chay với mẹ , bạn sẽ thấy rằng cuộc đời là một sự pha trộn của những điều tốt đẹp – Mẹ có những người bạn, cùng sống thể hiện tình yêu thương, nỗ lực làm nên những điều tốt đẹp và có ích cho mọi người, họ cảm thấy hạnh phúc và lan tỏa được sự ấm áp cho những người xung quanh. Một lần nữa mẹ đã trao tặng ta tình yêu thương, đánh thức mọi tiềm năng hạnh phúc vốn có trong ta, dạy ta biết ‘mỉm cười trong khổ đau’

‘Lận đận đương đầu với gió sương
Tin yêu không mất giữ can trường
Trau dồi ngọc đá trong cay đắng
Gạn lọc vàng thau giữa nhiễu nhương’

Phật tử đến chùa nghe phật pháp, nương vào giáo pháp của phật để mở mang trí tuệ, nhờ phật huệ rọi sáng tâm ta, nương vào tập thể tăng sống trong chánh pháp, có đời sống phạm hạnh thật sự là Thầy trợ duyên để mong nhận được sự an lành. Mẹ đi chùa cầu cho con được hạnh phúc và phát triển sự nghiệp dễ dàng.

Trong đời sống ‘cực ‘ không có nghĩa là khổ, nếu không chấp nhận cực nhọc sẽ không có đời sống sung túc để thụ hưởng ‘bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu’, cực nhọc sẽ tôi luyện cho thể chất và tinh thần mình vững chắc nên ta không nên than van hay né tránh. Trong đời sống cực nhọc ta chỉ cảm thấy khổ vì thua sút người, vì ham muốn tiện nghi vật chất kha khá. Người trẻ muốn tăng thêm mức bận rộn, bận rộn đến mức quay cuồng, quay cuồng mà có tiền xài cũng không sao, mọi người hốt hoảng và trôi theo dòng chảy của xã hội, tâm bất an, sức khỏe và hạnh phúc rời xa họ. Một khung cảnh bận rộn nhưng hạnh phúc ông bà ta đã có từ thời xa xưa:
‘Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa’
Cái vất vả gian lao về thể xác tạo nên cái gắn bó trong đời sống vợ chồng, ông bà đã tìm thấy sự thảnh thơi trong lao động chân chất đầy cực nhọc ấy. Vậy vì sao xã hội văn minh hơn, tiện nghi vật chất hơn, sự thảnh thơi không đến với người trẻ bận rộn? bởi vì sự thảnh thơi phải luôn có mặt trong từng bước đi chứ không phải ở cuối con đường. Nếu người trẻ tin rằng phải an cư mới lạc nghiệp và thảnh thơi sẽ có ở cuối đường, không phân định đâu là phương tiện đâu là mục đích của cuộc đời mình, không biết vui vẻ chấp nhận những nghịch cảnh, tâm sẽ không ‘an’ và thảnh thơi sẽ không đến.

Mẹ khuyên ta xả bỏ sự cố chấp, thương kính nhau, thực tập làm điều tốt. Trong cái bận rộn của hoàn cảnh, những ngang trái của cuộc đời hãy biết chấp nhận nghịch cảnh, thể hiện đức hy sinh và lòng vị tha, không đòi hỏi ở bên ngoài, có như vậy ta mới thực sự bỏ được ‘cảnh’ giữ ‘người’ lúc ấy bình an và hạnh phúc sẽ có trong ta.

‘Nếu có bao nhiêu mái đầu mà có bấy nhiêu trí tuệ, thì có bao nhiêu trái tim sẽ có từng ấy kiểu yêu thương’, đến tuổi hòang hôn của cuộc đời mẹ đã ban tặng cho ta một kiểu yêu thương khác nữa đó là phát tâm quy y tam bảo, gỡ lần những ràng buộc, phiền não, giữ cho tâm thanh thản

Thiền sư Vạn Hạnh và phật hoàng Trần Nhân Tông quyến thuộc sống trong quyền quý và có trách nhiệm xây dựng đất nước, phải chăng các ngài đã nhận ra trước những đầy đủ ấy con người vẫn có những nỗi khổ đau? các ngài đã chọn con đường phát triển phật pháp để tâm an lạc? lòng sáng lần, vô minh tan, nghiệp chướng mất, ham muốn không còn; nhờ vậy mà đã để lại sự nghiệp lớn cho con cháu ngàn năm sau hưởng phúc và an lạc. Thiền sư Vạn Hạnh trước khi viên mãn ngài còn để lại cho chúng ta những lời nhắn nhủ:

Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu héo hon
Nhìn cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Thịnh suy: ngọn cỏ giọt sương hồng

Mẹ đã tìm được chốn bình yên, rèn luyện để có nội tâm thanh tịnh giúp con yên lòng phấn đấu trong cuộc sống và làm tốt công việc.
Cảm ơn mẹ đã khai thông cho con đạo nhẫn nhịn và cách vượt qua khổ ải, thoát khỏi phiền não, sống vui và có ích cho mọi người.
Một lần nữa con cảm nhận được đức hy sinh của Mẹ dành cho con, hướng dẫn con trong đời sống đức tin để con tìm thấy an lạc, gặt hái được thành tựu trong sự nghiệp.
Con sẽ luôn nhớ đến mẹ và cất lên lời hát ‘mẹ là dòng suối ngọt ngào…’ làm nguồn sức mạnh đi tới cho tương lai của mình.
Nguyen Thị Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã có thêm thông tin

Powered By Blogger